VĂN HÓA TÂM LINH ĐẤT TỔ HÙNG VƯƠNG

               HỒNG TỬ UYÊN

KHOA HỌC DỊCH LÝ VIỆT NAM

I. Trở về

Nếu như mỗi người trong mọi người chúng ta đều tự thấy con đường của chính mình cùng với lịch sử dân tộc đã, đang và sẽ trải qua (trôi qua, đi qua) … càng ngày càng xa khởi điểm (chỗ tạm cho là điểm bắt đầu biết được về lịch sử của mỗi dân tộc), ngày càng xa cội nguồn thì nhất định có một ngày mình sẽ nhớ lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình hoặc sẽ nhớ lại từ “quê cha đất tổ” ngược dần đến mảnh đất đầu tiên nơi có “ông Tổ” khai sáng và xây dựng nền văn minh của cả một dân tộc như dân tộc Trung Quốc có Hoàng Đế là đại diện, Nhật Bản có Thái Dương Thần Nữ là thủy tổ – còn dân tộc Việt Nam có cha Rồng phối với mẹ Tiên, sinh ra dòng họ đầu tiên là Hồng Bàng Thị.

Truy cứu ở Từ Nguyên, Hoàng Thúc Trâm giải thích ba chữ Hồng Bàng Thị như sau

a. Hồng

  1. Hồng là tên một loài chim nước, to hơn con nhạn, cánh đen, bụng trắng, màu tro, tính mạnh dạn, thính giác nhạy bén.
  2. Hồng theo ý nghĩa thông dụng là lớn. Ví dụ: Hồng Thủy (là nước lớn).
  3. Chim hồng nói trong sách cổ thường chỉ về con Hồng Hộc, tức là con ngỗng trời. Nếu đi với chữ hoang thì Hồng hoang là nghĩa Thái Cổ.

b. Bàng

Bàng là đầy, lớn, bác tạp, không thuần túy.

c. Thị

Theo Thuyết văn là gò, núi. Như Hoàng Đế ban đầu ở đất Hữu Hùng, nên gọi là Hữu Hùng thị. Sau đến đời Hiên Viên Chi Ngưu thì gọi là Hiên Viên Thị. Cho nên, chữ “thị” là do từ “chỗ đất” mà được gọi tên. Do đó, “thị” không có nghĩa là họ mà chỉ là bộ tộc hay thị tộc theo danh từ xã hội học ngày nay.

II. Cội nguồn

Theo truyền thuyết thì Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, nhân đi tuần thú qua miền Nghĩa Lĩnh, lấy công chúa Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục.

Đế Minh phong cho người con trưởng là Đế Nghi làm vua ở phương Bắc, còn Lộc Tục làm vua ở phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương lấy Long Nữ là con gái của Động Đình Quân, sanh ra Sùng Lãm. Về sau nối ngôi cha xứng là Lạc Long Quân.

Đế Lai là con của Đế Nghi sang ở phương Bắc, nhân nhớ tới họ hàng nên cùng Âu Cơ xuống phương Nam, rồi Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ ra cái bọc có một trăm trứng, nở ra một trăm con trai.

Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, truyền được 18 đời, trị vì 2621 năm (từ năm Nhâm Tuất 2879 trước Tây lịch đến năm Quý Mão 258 tr.TL).

(Theo cụ Biệt Lam – Trần Huy Bá: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm các truyền thuyết và thư tịch cổ, các ngọc phả ở các xã quanh vùng có đền thờ các vua Hùng như xã Hy Cương (Vĩnh Phú) hiện lưu trữ tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa (số hiệu HT. AE9) thì các tài liệu này không chép là 18 đời vua Hùng mà lại ghi là 18 chi. Mỗi chi gồm nhiều đời vua, có cả năm can – chi lúc sanh, và lúc lên ngôi. Các đời vua trong một chi đều cùng lấy hiệu của vua đầu chi ấy.

Mười tám chi ấy như sau:

  1. Chi Càn: Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr.TL) lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr.TL) đến Đinh Hợi (2794 tr.TL). So ngang với Trung Quốc vào thời đại Tam Hoàng (?).
  2. Chi Khảm: Lac Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiên Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr.TL), lên ngôi năm 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm, đều xưng là Hùng Hiên Vương, từ năm Mậu Tý (2793 tr.TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ Đế).
  3. Chi Cấn: Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr.TL) lên ngôi khi 18 tuổi. Không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Quốc Vương. Từ năm Định Tỵ (2524 tr.TL) đến Bính Tuất (2253 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.
  4. Chi Chấn: Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Định Hợi (2254 tr.TL). Không rõ truyền mấy đời vua đều xưng là Hùng Hoa Vương, ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr.TL) đến Mậu Thìn (1918 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Quỳnh nhà Hạ.
  5. Chi Tốn: Hùng Hi Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 tr.TL), lên ngôi khi 59 tuổi. Không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hi Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr.TL) đến Mậu Tý (1713 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lý Quí (Kiệt) nhà Hạ.
  6. Chi Ly: Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr.TL), lên ngôi khi 29 tuổi, truyền hai đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm, đều xưng Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr.TL) đến Kỷ Dậu (1632 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Ốc Đinh nhà Thương.
  7. Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr.TL) lên ngôi khi 18 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi tất cả 200 năm từ năm Canh Tuất (1631 tr.TL) đến Kỷ Tỵ (1432 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Ất nhà Thương.
  8. Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr.TL) lên ngôi khi 39 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Vĩ Vương, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr.TL) đến năm Kỷ Dậu (1332 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Nam Canh nhà Thương.
  9. Chi Giáp: Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr.TL), lên ngôi khi 45 tuổi, truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi tất cả 80 năm, từ năm Canh Ngọ (1251 tr.TL) đến Kỷ Hợi (1162 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Giáp nhà Ân.
  10. Chi Ất : ?
  11. Chi Bính: Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr.TL), lên ngôi khi 51 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tý (1161 tr.TL) đến Bính Tuất (1055 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Thành Vương nhà Tây Chu.
  12. Chi Đinh: Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr.TL), lên ngôi khi 52 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Vũ Vương, ở ngôi tất cả 96 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr.TL) đến Nhâm Tuất (969 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Mục Vương nhà Tây Chu.
  13. Chi Mậu: Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr.TL), lên ngôi khi 23 tuổi, truyền 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương, ở ngôi tất cả 105 năm từ năm Quý Hợi (958 tr.TL) đến Đinh Mùi (854 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
  14. Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr.TL), lên ngôi khi 42 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Anh Vương, ở ngôi tất cả 99 năm, từ năm Mậu Thân (755 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Bình Vương nhà Đông Chu.
  15. Chi Canh: Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quí Sửu (748 tr.TL), lên ngôi khi 35 tuổi, truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Triệu Vương, ở ngôi tất cả 94 năm từ năm Đinh Hợi (754 tr.TL) đến năm Canh Thân (661 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Huệ Vương nhà Đông Chu.
  16. Chi Tân: Hùng Tạo Vương (Thần phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc, ghi đời thứ 16 là Hùng Tạo Vương, đóng ở Việt Trì, có Thạch Tướng quân đánh tan giặc Man, vua phong làm Chuyển Thạc Tướng Đại Vương – “Người anh hùng làng Dóng”, Cao Xuân Đỉnh, NXB KHXH, 1969, tr. 126 – 130), húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr.TL), lên ngôi tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr.TL) đến Nhâm Thìn (569 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Linh Vương nhà Đông Chu.
  17. Chi Nhâm: Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr.TL), lên ngôi khi 9 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr.TL) đến Nhâm Thân (409 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu.
  18. Chi Quý: Hùng Duệ Vương, húy Huệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr.TL), lên ngôi khi 14 tuổi, truyền không rõ mấy đời vua (có lẽ 3 đời), vì ở đỉnh Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội có bài vị “Tam Vi Quốc Chúa”, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr.TL), đến Quý Mão (258 tr.TL). Ngang với năm thứ 17 đời Uy Liệt Vương, đến năm thứ 56 đời Noãn Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.

(Theo T.H.B – Kiến thức phổ thông)

III. Dân tộc.

a. Hùng Vương chọn đất đóng đô.

Vua Hùng đi nhiều nới để tìm đất đóng đô cho nước Văn Lang.

Vua đi tới một miền phong cảnh đẹp đẽ, đất phẳng mà rộng, có nhiều khe suối. Vua cho là thế đất chưa đủ, bèn sai chim đại bàng đắp 100 quả gò, hẹn trước khi trời sáng phải xong. Chim đại bàng khuân đất đá đắp được 99 quả gò, chợt có con gà ngủ mơ gáy sáng, chim đại bàng ngỡ trời đã rạng vỗ cánh bay đi. Vua Hùng đi tìm đất khác (Nay là xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba).

Lại tới nơi khác, vua thấy có một ngọn núi cao sừng sững như cái trụ chống trời vươn lên giữa hàng trăm quả đồi vây quanh. Vua thúc ngựa lên ngọn núi, dừng ngực ngắm trông bốn phương tám hướng, rộng hẹp thấp cao, rừng trải xa xa, khe ngòi quanh lượn, vua đẹp lòng vừa ý, mới dong ngựa từ từ xuống núi. Chợt con ngựa quay đầu, vó ngựa đạp mạnh, núi lở xuống, sạt mất một góc. Vua chê thế đất không vững, bèn bỏ đi (Nay là núi Sứt, đứng giữa ba huyện Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh ở vào địa phận Đông Lĩnh, Thanh Ba).

Lại tới một tòa núi dài đầu cao đuôi thấp nằm giữa một trăm quả đồi nhỏ như con giao long bơi lượn trên lớp lớp sóng dồn. Trên núi có đường lên trời, có hang xuống đất. Vua bước vào hang chợt gặp một con rắn trắng chắn đường. Vua cho là điềm không lợi, bèn bỏ đi (Nay là núi Thắm, huyện Thanh Ba).

Đi theo sông Thao, tới một vùng thấy trước mặt là sông lớn, sau lưng là núi cao, đầm nước mênh mông vây bọc những hòn đảo nhỏ. Vua đang ngắm, chợt có con rùa vàng hiện lên khỏi mặt nước, lưng như tấm phản, gật đầu chào vua, tự xưng là chúa đầm này. Vua cưỡi lên lưng rùa. Rùa đưa vua đi thăm 99 ngách, cây cối lòa xòa, nước đen như mực, các loài thủy tộc vui mừng chào đón nhà vua. Vua khen cảnh đẹp nhưng cho rằng không có thế mở rộng để họp muôn dân dựng cung điện nên lại bỏ đi (Nay là Ao Châu, huyện Hạ Hòa).

Lần tới sông Đà, sóng xô cuồn cuộn, núi Tản vươn mình, một dải ven sông cây xanh bát ngát, địa thế rất đẹp. Vua mới truyền cho chim phượng hoàng đào 100 chiếc hồ, chọn đây làm đất đóng đô. Đào được 99 cái thì chợt có tiếng phượng đực kêu ở nơi xa. Phượng mẹ vỗ cánh bay lên theo tiếng gọi của chim đực, cả đàn con bay theo. Vua thấy không đủ 100 cái hồ nên cũng bỏ đi (Nay là xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy).

Vua đi mãi nơi này nơi khác mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Đi tới một vùng: trước mặt ba sông tụ hội, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hình hổ phục rồng chầu, tướng quân bắn nỏ, ngựa chạy phượng bay. Giữa những quả đồi xanh tốt thấy có ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con. Vua lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa, bốn mặt cây xanh hoa tươi quả ngọt, vừa trùng điệp, vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen đây thực là đất họp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thết đất vững bền có thể dựng nước được muôn đời.

Vua Hùng đặt đô ở đó, gọi tên là thành Phong Châu (Thành Phong Châu gồm từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới các vùng đất quanh núi Nghĩa Lĩnh, gồm có thành phố Việt Trì ngày nay và một phần đất thuộc các huyện Lâm Thao, Phù Ninh)

b. Sơn Thủy nơi kinh đô Văn Lang.
* Núi.

  1. Sông Hồng chia núi miền Bắc thành hai khu, khu tả ngạn và khu hữu ngạn chạy liên tiếp nhau từng dãy.
  2. Khu tả ngạn có 5 dãy hình cung xòe ra như nan quạt chụm lại ở Tam đảo, đó là rặng Đông Triều sát bể, rặng Bắc Sơn đường sang Trung Hoa, rặng Yên Lạc Ngân Sơn và rặn sông Gầm cạnh hồ Ba Bể.

Chung quanh những rặng núi đó có miền cao nguyên Vân Nam đứng sững nhô lên mấy ngọn Tây Côn Lĩnh, Pu-ca rồi trũng xuống ở miền Cao Bằng, Lạng Sơn ra tới bể, phía nam sát với bình nguyên thì có miền trung du gồm những đồi thấp, chỉ có ngọn Tam Đảo cao hơn cả.

  1. Khu hữu ngạn có dãy Hoàng Liên Sơn cao 3.142m nhất nước Việt Nam. Giữa sông Đà và sông Mã là miền cao nguyên đá vôi lởm chởm. Sau đó là dãy núi cạnh sông Mã chạy từ biên giới Trung Hoa tới địa phận Thanh Hóa nhiều rừng rậm; còn miền trung du ở mạn sông Ba Vì (Sơn Tây) và Chi-nê, Nho Quan (Ninh Binh có nhiều đồi.

* Sông.

– Ở Bắc phần có 3.280km đường sông gồm có sông Hồng, sông Thái Bình và các sông nhánh, sông đào.

  1. Sông Hồng: còn gọi là sông Nhị Hà hay sông Cái, phát nguyên từ Vân Nam dài 1.200km, ở trên cao 2.000m, chảy theo chiều tây bắc – đông nam.

Đến Lào Cai thì sông Hồng thuộc địa phận Việt Nam cao 74m vá cách bể 510km.

Lưu vực sông Hồng rộng đến 140.000km2 (kể từ nguồn). Phía hữu ngạn có sông Lô đều phát nguyên từ Trung Hoa. Sông Lô và sông đà cũng quan trọng lắm vì đổ rất nhiều nước vào sông Hồng ở gần Việt Trì, nên Việt Trì thành một địa điểm quan trọng, là đỉnh của bình nguyên tam giác Bắc phần. Khỏi Việt Trì, sông Hồng mở rộng từ 500 tới 1.000m; cách bể 220km nhưng chỉ cao hơn mặt bể có 10m vì thế sông ngoằn ngoèo nên phù sa lắng xuống. Sông Hồng chia ra 3 nhánh: sông Đáy ở hữu ngạn, sông Luộc và sông Đuống chảy vào sông Thái Bình ở tả ngạn, rồi chảy ra bể bằng 4 cửa chính: cửa Ba Lạt, cửa Đáy, cửa Lục và cửa Trà Lý.

  1. Sông Thái Bình: Sông Thái Bình do sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam hợp thành ở Kiếp Bạc gần Phả Lại, sông Thái Bình nhờ sông Đuống và sông Luộc đưa nước sông Hồng tới nên mở rộng chảy ra biển bằng nhiều cửa: cửa Nam Triệu, cửa Cấm, cửa Vạn Úc, cửa Thái Bình.

Như vậy, đất định đô miêu tả như trên chính là vùng đất từ ngã ba Hạc về tới núi Hùng – nơi có đền Hùng, mộ Tổ bao gồm thành phố Việt Trì “trước mặt ba sông tụ hội, hai bên có Tản Viên (Ba Vì). Tam Đảo chầu về” và ba bề bãi rộng bồi đắp phù sa cho tới nơi có “ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con”, là ngọn núi Hùng thuộc làng cổ tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu (xưa là huyện Lâm Thao).
* Xin nói rõ thêm về núi Hùng:

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép về núi Hùng Vương như sau:

Núi Hùng Vương ở xã Hy Cương cách huyện Sơn Vi 12 dặm, cũng gọi là núi Hy Cương, lại gọi là núi Bảo Thiếu hình thế tròn trĩnh, xanh tốt lạ thường.

Sách Địa Dư Chí của Lê Đại Cương chép rằng:

“Mạch núi từ Tam Đảo đổ xuống, kéo qua địa phận các huyện Lập Thạch, xuyên qua sông Lô, đi qua địa phận các huyện Hùng Quan và Tây Quan kéo đến phía Tây, núi non la liệt. Ở phía Đông có sông Đà lượn quanh, lại có các ngọn nước tụ hội ở ngã ba sông, thật là cực lớn về phong thủy.

Xưa vua Hùng dựng cung điện nơi đây, nay trên núi có miếu Hùng Vương, bên cạnh miếu có hai cột đá lại có chùa Thiên Quang.

IV. Văn minh.

Sinh hoạt ở thành Phong Châu.

Vua Hùng chọn đất Phong Châu làm kinh đô của nước Văn Lang, từ ngã ba sông Bạch Hạc về tới núi Nghĩa Lĩnh.

Vùng Kim Đái là nơi các lạc hầu đóng, có quả đồi tên gọi Tháp Lọng là nơi các quan làm việc. Khi về chầu vua, các quan xuống thuyền đi theo một con ngòi (Tất cả các địa danh trong truyền thuyết này đều gọi theo tên ngày nay. Xã Kim Đức tức là Kim Đơi, tên tục là kẻ Đơi huyện Phù Ninh. Ở đồi Tháp Lọng có đào được 30 thoi đồng cổ hình răng bừa không rõ là khí vật gì. Cạnh con ngòi có một di chỉ sơ kỳ đồ đồng trên đồi Hàm Long).

Vùng Cẩm Đội là nơi các lạc tương đóng và là nơi rèn tập quân sĩ. Có nơi tập bắn cung nỏ (Cẩm Đội tên tục là kẻ Đọi nay là một thôn của xã Thụy Vân huyện Lâm Thao. Vùng Cẩm Đội ở đây bao gồm cả xã Thụy Vân ngày nay, ở gần thành phố Việt Trì, bên bờ sông Thao. Ở xã này có các di chỉ sơ kỳ đồ đồng: Gò Tro trên, Gò Tro dưới, đào thấy giáo và rìu chiến).

Xã Tiên Cát là nơi các vợ vua ở và là nơi vua lập lầu kén rễ (Tiên Cát nay là địa điểm nhà máy mì chính và một số cơ quan tỉnh. Xã Tiên Cát trước có tên tục là kẻ Gát, ở đây có di chỉ đồ đồng).

Xã Lâu Thượng là nơi vua làm việc. Xã Dữu Lâu là vườn trầu lớn của nhà vua. (Lâu Thượng và Dữu Lâu ở giáp nhau, bên bờ sông Lô. Lâu Thượng tên tục là kẻ Sủ và Dữu Lâu là kẻ Trầu).

Xã Minh Nông là nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, có đồi Mã Lao là nơi vua đi chơi thường nghỉ ngựa ở đó (Minh Nông thuộc Việt Trì, tên tục là kẻ Lú hay Nú).

 

Vua Hùng thường về các vùng xung quanh đô thàng để săn bắn, đi về các xã Phù Lỗ, An Đạo, Bình Bộ (các xã này đều thuộc huyện Phú Ninh và ở gần đền Hùng) và có khi đi xa về tới núi Thắm (núi Thắm thuộc xã Vũ Lao, huyện Thanh Ba).

Hồi tưởng và truy tìm về cội nguồn của dân tộc, về Ông Tổ khai sáng ra đất nước, chúng ta mới thấy hồi đó Hồng Bàng Thị chỉ là một bộ tộc chưa có văn minh, chưa có khoa học như ngày nay, thế mà ý thức của bộ tộc đó thật là kỳ vĩ, thật là sáng ngời khiến chúng ta phải khâm phục, phải kính nể, phải cố gắng, phải noi theo, đồng thời phải thực hiện cho bằng được như lời của Hồ Chủ Tịch:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Ngoài ra, còn phải phát huy, phát triển (ít ra) cũng y như tinh thần của người sáng lập ra đất nước này.

* Thứ nhất:

(Phạm vi Địa là không gian thuộc Âm).

– Những bài trích dẫn ghi trên đã minh họa cho truyền thuyết, vẽ bức tranh toàn đồ, khái quát địa lý Việt Trì với ba sông Lô, Thao, Đà tụ hội (là tụ thủy) với hai dãy Tản Viên, Tam Đảo hai bên (là tụ sơn).

+ Tả Thanh Long là dãy Tam Đảo sơn.

+ Hữu Bạch Hổ là dãy Tản Viên sơn.

Và núi Hùng ở hạt Lâm Thao là nơi đặt lăng miếu nhà Hùng.

– Truyền thuyết không chỉ cho biết về kinh đô thời Văn Lang được đặt ở đất nào, mà còn cho thấy việc họn đất định đô của Hùng Vương quả là thận trọng và có nhiều cân nhắc sáng suốt.

* Thứ nhì
(Phạm vi nhân là hình khí thuộc Âm Dương giao)
– Với huyền tích Lạc Long Quân là giống Rồng, ở dưới nước thuộc Thủy phối với Âu Cơ là giòng Tiên ở trên cao thuộc Hỏa.

+ Thiên nhứt sinh thủy.
+ Địa nhị sinh hỏa

Là Thủy Hỏa Ký Tế (Hợp giã: hiện hợp, đã xong).
– Rồi hai người lại chia tay, Lạc Long Quân dẫn 50 người con đi xuống biển (Thủy). Âu Cơ dắt 50 người còn lại đi lên núi (Hỏa) là Hỏa Thủy Vị Tế (Thất giã: chưa xong, không đúng cách).

Nói cách khác, nội dung của truyền tích có thể giải mã thành thông tin:

– Thủy là CHẤT, có hình.

– Hỏa là KHÍ, không (có) hình.

Hai thứ đó nương tựa vào nhau: một bên là KHÍ BIẾN. Một bên là HÌNH HÓA, tạo thành dòng biến hóa liên tục.

  • Khí tụ lại thành chất.
  • Chất hiện rõ thành hình.
  • Hình tan ra thành khí.

Ví dụ: người (chất) chết, lúc sình lên thì bốc ra mùi (khí) không thể ngửi được.

 

* Thứ ba.


( Phạm vi Thiên là ý thức thuộc Dương)

Người xưa đã chọn Vật Tổ của mình là một loài chim có tên là Hồng Hộc (hay Hồng Lạc) làm biểu tượng.

Thì chúng ta có thể đoán ý tiền nhân qua vật tượng đó như sau:

Chim là loài có khả năng bay lên, đáp xuống (hoặc xẹt qua, xẹt lại) ở bất kỳ nơi nào.

Do đó, có thể nói chim là đại biểu cho cái thần (tinh thần) của dân tộc “Linh thông kỳ ảo”.

(Âm Dương bất trắc chi vị Thần)

Hồng là lớn. Nếu hiểu rộng ra “lớn là trùm khắp hết, là đồng, là thời gian, là tánh…”.

Còn Bàng (là đầy lớn, không thuần túy) là Dị, là Tình thì “Tình thâm nhi văn minh”.

Nếu như lời giải mã trên mà đúng được với ý của người đã có công khai quốc – kiến quốc – lập quốc – hưng quốc – là họ đã dùng Đức (là tình thâm) làm gốc để cho cành, ngọn là Tài hiển lộ (tức văn minh), thì ngày nay chúng ta :

 

“Uống nước phải nhớ đến nguồn

Yêu (đất) nước không quên công lao của tổ tiên”.

Người đã xây dựng “Bốn nghìn năm văn hiến”.

“Âm hà đương tư nguyên

Ái quốc mạc vong Tổ”.

(Tham khảo:

  • Truyền thuyết Hùng Vương của Nguyễn Khắc Xương.
  • Thời đại Hùng Vương của Văn Tân.
  • Kinh đô Văn Lang. Kỷ yếu.
  • Hồng Tử Uyên Học Án. Tập Nhân Bản).