Nhớ mãi ngày đầu tiên gặp thầy Hồng Tử Uyên, thoáng đã gần bốn năm..

Xin phép được trích dẫn lại tiểu sử thầy Hồng Tử Uyên lên trang thuatso.com từ facebook của người thân trong gia đình Thầy (https://www.facebook.com/hongtu.uyen.1/posts/1451578371736245?fref=nf)

“LƯỢC SỬ CỦA THẦY HỒNG TỬ UYÊN

Khoa học Dịch Lý Việt Nam là gì? Chúng tôi không có tham vọng giải thích nó nhưng với sự hiểu biết còn hạn hẹp: có thể nói đây là triết học của người Việt Nam đây là kiến thức tinh tuý của dân tộc được đúc kết hàng ngàn năm, một trong những nền tảng giúp tiền nhân dựng nước và giữ nước (có thể nói trước có các vị chân tu, Nguyễn An thời nhà Hồ, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm của thế kỷ 16 …….là một trong những số đó), sự quý báu của môn học này là vậy, nhưng khi nói đến lãnh vực này người ta thường liên tưởng đến sự phức tạp khi tiếp cận nó bởi ẩn chứa trong đó khá nhiều những khái niệm có tính trừu tượng,cộng thêm tính phổ biến trong xã hội không được rộng rãi nên hiện nay có không ít người quan tâm và nghiên cứu nhưng không thể hiểu biết sâu về nó,Người có kiến thức uyên thấm về dịch học lại hiếm hoi hơn, do đó nguy cơ dẫn đến mai một di sản quý báu của tiền nhân để lại là có thể xảy ra và người có công trình nghiên cứu bài bản ,khoa học bằng tất cả tâm lực và cả cuộc đời của mình lại càng hiếm hơn. Rất may trong số ít đó đã có Xuân Phong Hồng Tử Uyên , người đã dùng thời gian cả cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu dịch học, với phong thái đĩnh đạc của một học giả, ông đã dốc tâm đem sở học và cuộc đời với biết bao thăng trầm và trải nghiệm để truyền thụ các môn đệ của mình nhằm truyền bá môn dịch học cho người đi sau thông qua phương pháp của ông để có thể tiếp cận dịch học một cách dễ dàng, sâu sắc, và dễ hiểu hơn . Có thể nói Ông là một trong những viên gạch nối tiếp giữa tiền nhân với những thế hệ sau trong việc nghiên cứu và thực nghiệm học môn học này, vậy Xuân Phong-Hồng Tử Uyên là ai?

Suphu

Thân thế :

Xuân Phong Hồng Tử Uyên tên thật là Võ Hồng Hải tự là Phúc Chi,Ông sinh ngày 24.05.1942 (tức là mùng 10.4.Nhâm Ngọ), thân phụ là Võ Công Minh , thân mẫu là Lữ Thị Hoa , ông lập gia đình năm 1968, hiền thê là bà Ngô Thị Mỹ Dung, có 4 người con : người con trai trưởng là Võ Văn Thiên Hồng Chi tự Hồng Chi, con gái thứ là Võ Thị Thiên Khánh Dung tự Khánh Chi , con trai út là Võ Văn Thiên Minh Đức tự Hoàng Chi và con gái út là Võ Thị Thiên Thùy Linh tự Kim Chi.
Ông được sinh ra trong một gia đình phú nông ở Gò công – Tiền Giang, thuộc làng Long Hựu sát bờ sông Cửa Tiểu (một trong 9 con sông của Cửu Long), dòng sông hiền hoà đổ ra biển với đất đai tươi tốt, có lẽ linh khí của trời đất nơi ấy cộng với truyền thống gia đình dòng họ Võ đã tạo nên một Xuân Phong Hồng Tử Uyên sau này mà thân mệnh của Ông đã gắn liền với dòng chảy tinh túy dịch học của tiền nhân.

Sự nghiệp:

Kể từ sau biến cố gia đình ,năm 1960 với tuổi đời còn rất trẻ, ông lên Sài gòn đem theo trong mình sự ấp ủ nghiên cứu về huyền cơ của vũ trụ.Từ đây Ông đã phôi thai ra cuốn sách đầu tay là quyển Tử Vi Đẩu Số – Phần Lập Thành, trong quá trình biên soạn và khảo cứu tác phẩm đầu tay Tử Vi Đẩu Số – Phần Lập Thành, khi viết đến phần Luận đoán, ông có nhiều thắc mắc trong vấn đề Ngũ Hành còn có những điều mà Ông chưa sáng tỏ, âu cũng là điều thường thấy của những học giả, những người muốn đi trên con đường tìm đến sự tường minh của chân lý. Trong sự thôi thúc của nội tâm và cơ duyên dẫn dắt, Ông đã tìm đến vị cao tăng Thanh Quang trụ trì chùa Tam Tông Miếu (ở đường Cao Thắng bây giờ) ,trình bày về sự thắc mắc của mình, thì được vị chân tu này chỉ dẫn đến gặp thầy Nguyễn Văn Mì (hiệu là Xuân Phong) tham vấn. Từ đây cảm phục trước sự uyên thâm của vị thầy Tổ : Nguyễn Văn Mì (hiệu là Xuân Phong) và được sự chấp thuận của thầy, Ông đã bái sư và có lẽ do nhận ra ông là đồ đệ có cơ duyên với dịch học nên đã được thầy tổ đặt cho hiệu là Xuân Phong Hồng Tử Uyên, nên chẳng bao lâu :Xuân Phong Hồng Tử Uyên đã chở thành một trong những cao đồ của thầy Xuân Phong.

Ông đã biên soạn tập sách dịch lý đầu tiên, trên cơ sở được sự chỉnh sửa của thầy Tổ, đó là quyển DỊCH LÝ HỌC NHẬP MÔN, (nó còn có tên gọi khác DỊCH LÝ HỌC ĐẠI CƯƠNG), khi tập sách đã hoàn tất, thì cũng là lúc Thầy Tổ nhận được giấy phép thành lập “VIỆT NAM DỊCH LÝ HỘI”,( Nghị định số 620/BNV/HS ngày 25-06-1965).
Ông được Thầy Tổ đề cử đứng lớp đầu tiên dạy môn Dịch Lý học trong phần Việt Nam học thuật quốc bảo, để phổ biến cho mọi người biết nền tảng của vũ trụ – con người chỉ là Âm Dương Tiên hậu thiên Tri tri ý thức mà Thầy Tổ đã ngộ được.

Trong thời gian giảng dạy, ông đã đăng quảng cáo “Việt Nam Dịch Lý Hội, khai giảng lớp Dịch Lý Du ngoạn Thực nghiệm” trên nguyệt san Phương Đông – Võ thuật và các nhật báo để phổ biến cho mọi người biết về học thuật quốc bảo của Việt Nam .

Sau năm 1975, ông đã viết nhiều bài về DỊCH LÝ VIỆT NAM và được đăng trên tạp chí Nguồn Sáng , do thi sĩ Đỗ Ngọc Quang làm chủ biên.
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu Khoa học Dịch Lý Việt Nam, ông đã để lại 3 bộ sách lớn:
CỐT TỦY DỊCH – QUAN TƯỢNG DỊCH – TÂM PHÁP DỊCH
Để sự nghiệp tiếp nối , rồi hòa vào biển lớn như dòng sông Cửa tiểu Gò công quê Ông: ngoài các tác phẩm để lại, Ông còn tạo ra các thế hệ môn đồ tiếp nối như:
– Võ Văn Thiên Hồng Chi được ông đặt cho hiệu là Hồng Tú Phong
– Võ Thế Dân đã được ông đặt cho hiệu là Hồng Kỳ Chung
– Cùng nhiều đệ tử khác ……
…đây là những đồ đệ mà Ông hết lòng, dốc tâm đào tạo và kỳ vọng có thể làm lan tỏa môn dịch học qua phương pháp tiếp cận của mình và từng bước hiểu sâu hơn môn dịch học vốn dĩ rất vô hạn này.
Lời nhắn nhủ sau cùng trước lúc ra đi:
Như đã biết trước thời khắc mình phải ra đi, trong những năm tháng cuối đời Ông đã trăn trối với các môn đồ của mình với lời nhắn nhủ( Toàn văn Thầy đã viết):
“Vài lời Tôi gửi đến các em học viên Đọc và Nhớ: Nếu muốn làm một việc gì tốt cho mình hay cho người khác – mà nhỏ thì không sao, còn việc quá lớn, vĩ đại quá ngoài khả năng sẳn có thì phải Đúng Thời Cơ (đúng dịp, đúng lúc và đúng với nhu cầu cần thiết của xã hội)”.
Trước thời khắc ra đi:
Ngày 17.6.2013 (10.5.Quý Tị) bỗng nhiên cả đêm ông không ngủ được, bèn lấy giấy viết ra Cốt Tủy của hệ thống nguyên lý suy luận của ông bà ngàn xưa về Âm Dương – Ngũ hành, đó là lập một sơ đồ Cấu trúc Khoa học Dịch lý Việt Nam. Sơ đồ này từ ngàn xưa cho đến bây giờ chưa có một ai ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới công bố.

Ông biết ông đã bị quy luật Biến Hóa (tạm gọi là Trời) chi phối thành tai họa (Bệnh) trước khi làm được sơ đồ này vì ông đã làm một điều quá khó, quá lớn lao ngoài khả năng sẳn có (Đại quá – Họa giã),. Như thầy

Mạnh Tử nói :

Khi trời muốn giao phó một trọng trách cho người nào thì trước hết trời làm cho họ khổ cái tâm trí, nhọc cái gân cốt, đói cái thể xác, cùng túng cái thân người ấy, động tâm làm gì cũng nghịch ý muốn; có vậy mới khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh, thêm ích cho những điều chưa hay làm được.
Ngày 11 tháng 06 năm Quý Tị ,Ông đã hoàn tất Sơ đồ Cấu trúc Khoa học Dịch lý Việt Nam .

Đến Giờ Tý ngày 12 tháng 06 năm Quý Tị, Ông bất ngờ phát bệnh, nhưng Ông từ chối đi bệnh viện cấp cứu, sau đó đột quỵ ngay trên đường đi cấp cứu đến bệnh viện Gia Định. Và ông đã qua đời vào lúc giờ Ngọ, ngày 12 tháng 06 năm Quý Tị. (tức dương lịch ngày 19.07.2013).
Âu cũng là lẽ quy luật của trời đất, vạn vật có sinh có tử, Ông đã trở về với dòng sông Cửa tiểu nơi sinh ra Ông, với Tổ tiên ông bà với cõi Phật. Giống như con tằm nhả tơ, cố rút những đường tơ cuối cùng để hoàn tất công việc cho đời sau, một thiện tâm thật là trân quý, hy vọng rằng di nguyện của Xuân Phong Hồng Tử Uyên luôn được tiếp nối mà chúng tôi cảm nhận được nụ cười hồn hậu trên di ảnh trong ngày tiễn đưa Ông.

Xin một lần nữa cúi chào tiễn biệt.”

Ngày trích dẫn tiểu sử thầy lên thuatso.com Ngày dương lịch 26/12/2014 quẻ dịch Thuần Cấn – Sơn Hỏa Bí

Comments are closed.